Cách đây tám tháng có hai học viên cao học Toán đến tìm tôi để xin được hướng dẫn Luận văn Thạc sĩ Toán học chuyên ngành Tô-pô Hình học, Trần Thị Bảo Trâm và Nguyễn Minh Trí.
Tôi nói với các em rằng làm Luận Văn Thạc sĩ với tôi là rất cực, vì tôi quá là bận, hội họp liên miên. Đó cũng là lý do tại sao vào năm 2006, tôi dạy một buổi Hình học cao cấp cho sinh viên của Khoa Toán-Tin mà họ theo học, sau đó phải nghỉ để bố trí thầy cô khác giảng dạy thay.
Các em nói sẽ cố gắng để đáp ứng các yêu cầu của giảng viên hướng dẫn và sẽ cố gắng tối đa để hoàn thành bản luận văn. Hôm sau tôi gọi Bảo Trâm đến nhận đề tài:
- Em đăng ký đề tài: “Đối đồng điều De Rham của các dạng vi phân chiếu được địa phương lên một không gian phân lá xuyên ngang thuần nhất.”
Thấy Bảo Trâm ngần ngại, tôi nói:
- Đối đồng điều của các dạng vi phân em đã học trong Giải tích trên các đa tạp, không gian phân lá thầy Lê Anh Vũ đã dạy rồi, em ngại gì?
- Tuy đã học nhưng em sợ đề tài khó quá 6 tháng làm không kịp.
- Vậy em đăng ký đề tài: “Các không gian Riemann có độ cong hằng ”
Một tuần sau, Bảo Trâm liên hệ lại với tôi và trình bày, các thầy ở Khoa nói đề tài đó trùng lắp vì trước đây thầy đã hướng dẫn rồi.
- Trời ạ, không gian là cả không gian chứ có phải là ngõ ngách gì mà sợ trùng lắp. Nếu Nguyễn Minh Hòa làm không gian có độ cong hằng dương thì em làm không gian có độ cong hằng âm. Âm dương cách trở làm thế nào trùng lắp đuợc.
Bảo Trâm không nói gì, tỏ vẻ lo ngại.
- Vậy thì em đăng ký đề tài: “K-lý thuyết của các không gian có độ cong hằng”. Như vậy Luận văn của em đã tăng hàm luợng lên gấp 3. Trước hết em phải nghiên cứu về các không gian có độ cong hằng, sau đó em nghiên cứu K-lý thuyết, cuối cùng em dùng K-lý thuyết để tính K-nhóm của các không gian có độ cong hằng.
Giao đề tài xong, tôi giao cho Bảo Trâm tài liệu tham khảo gồm sách, tài liệu và các địa chỉ internet để download về đọc. Vì tôi quá bận nên khi nào hòan thành phần việc nào, gọi điện hỏi trước thời gian rồi đến nhà, hoặc muốn đến học hỏi thêm cũng thực hiện như vậy.
Trong thời gian ba tháng, Minh Trí đã gần như hòan thành đuợc dàn ý của bản luận văn, còn Bảo Trâm thì không thấy nói gì. Một tháng sau đó, do tôi quá bận rộn không mấy quan tâm tới hai bản luận văn Thạc sĩ, cũng là lúc Bảo Trâm lặn mất tăm. Tôi sợ cô gái này bỏ dở bản Luận văn Thạc sĩ vì xét cho cùng K-lý thuyết quả là quá khó so với học viên cao học, nhất là đối với nữ. Rồi tôi chìm đắm vào công việc.
Một hôm Bảo Trâm đến nhà, mang theo bản phác thảo bản Luận văn của mình. Tôi rất ngạc nhiên vì sự cố gắng của cô gái này. Tuy bản phác thảo chưa có gì là hoàn chỉnh hết, nhưng đọc lên ta có thể thấy cấu trúc hợp lý của nó.
- Em tìm ở đâu ra tài liệu để đọc?
- Em tìm trên mấy cái địa chỉ internet mà thầy đã chỉ. Ở đó chỉ toàn giáo khoa. Em nhờ một số anh tìm kiếm giúp và được một số tài liệu cần thiết để hình thành bản phác thảo.
Đến bây giờ tôi mới thật sự dành thì giờ cho bản luận văn thạc sĩ này.
- Em về tìm kiếm trên internet quyển sách nhập môn K-lý thuyết của Atya. Đọc hiểu và viết lại tất cả những gì mình hiểu được về K-lý thuyết vào chương 2. Sau đó đến nhà thầy giao phần việc tiếp theo.
Một tháng sau, Bảo Trâm đến nhà, xem tất cả những gì cô học viên này trình bày, tôi hình dung được toàn bộ công việc mà Bảo Trâm đã thực hiện mà tôi thì chẳng có mấy thời gian dành cho học trò của mình.
Cuối cùng cũng đến hạn nộp Luận Văn và chuẩn bị bảo vệ. Hôm trước bảo vệ, Minh Trí và Bảo Trâm đến nhà để trình này cho tôi xem trước khi bảo vệ chính thức. Tôi thật sự ngạc nhiên vì khả năng tự học của hai học viên cao học của mình. Bảo Trâm đã gần như nắm vững được K-lý thuyết tôpô và bản thân em đã đưa ra được một vài kỹ thuật để tính K-nhóm của các không gian có độ cong hằng mà em đã chọn. Kết quả hết sức đẹp mà không phải dễ dàng gì một học viên cao học có thể tự xoay sở lấy trong vong ba tháng trực tiếp làm việc với các lý thuyết hiện đại về tôpô đại số.
Hôm bảo vệ, Bảo Trâm đã nhanh chóng chinh phục được các thành viên của Hội dồng. Người phản biện, PGS TS Lê Anh Vũ đánh giá cao bản luận văn cũng như ngưòi đã thực hiện tốt bản luận văn này. Cuối cùng hội đồng đã đồng ý cho điểm tối đa cho bản luận văn: “K-lý thuyết của một số các không gian có độ cong hằng” của học viên Trần Thị Bảo Trâm.
Trần Thị Bảo Trâm và Nguyễn Minh Trí
Thành quả lao động cật lực để đạt được kết quả xuất sắc này của Bảo Trâm đã ảnh hưởng mãnh liệt đến tôi. Bảo Trâm hoàn toàn không biết rằng trong suốt 12 tháng của năm 2011 một mình tôi phải đối diện với quá nhiều vấn đề phức tạp do con người gây ra. Nó đưa tôi lên mặt báo của các báo: Phụ nữ TP Hồ Chí Minh, Sài gòn giải phóng, Pháp luật TP Hồ Chí Minh và báo Thanh tra chính phủ, nó đưa tôi tới đối diện với bốn đoàn thanh tra và kiểm tra, kể cả kiểm tra của Đảng do thành ủy chỉ đạo, một lần đối diện với bộ phận phòng chống tội phạm kinh tế của Bộ Công An.
Cổ nhân có câu: “Hàm huyết phún nhân tiên ô ngã khẩu.” Ngậm máu phun người trước dơ miệng ta. Bản thân tôi chẳng màng gì đến mọi vu cáo trên các mặt báo, tôi chỉ thương cho thân phận con người. Rồi đây anh ta sẽ đi đâu về đâu, khi cả đời chỉ là tay sai của kẻ khác. Khi là tay sai của ngưòi chống lại tôi, khi là tay sai của người chống lại Hiệu trưởng và cuối cùng là tay sai của ai đó mà cứ tưởng người ta thần phục mình. Hơn nữa anh ta còn nhờ Nguyễn Quang Lập bêu xấu tôi lên “Quê Choa”. Mặc kệ thế gian, tôi trở về với khoa học-công nghệ và với học trò của mình. Kết quả xuất sắc của cô gái Bình Thuận, nói năng nhỏ nhẹ, cử chỉ khoan thai mà lại là giảng viên của một trường đại học ở TP HCM- trường đại học Tài nguyên môi trường TP HCM – đã làm cho tôi chợt nhận diện ra chính mình. Hóa ra sự nỗ lực của tôi trong mọi lãnh vực, kể cả lãnh vực kinh doanh lẫn lãnh vực đào tạo và khoa học công nghệ, đã phần nào mang đến cho ai đó một tương lai vững bền.
Cám ơn Bảo Trâm bởi em đã nỗ lực không ngừng cho bản Luận văn cũng như cho tương lai học vấn của mình như PGS TS Lê Anh Vũ đã nói không ngoa rằng, nó là một phần của học vấn Tiến sĩ. Kết quả mà thầy trò đạt được đã tăng thêm niềm tin cho tôi, rằng trong 24 tháng giông bão của cuộc đời, tôi vẫn hiên ngang làm tất cả mọi việc cho người, cho đời mà đáng kể nhất là thành quả đào tạo những con người tài năng cho đất nước. Sự nỗ lực đó chỉ có những con ngưòi có chuyên môn tóan học mới nhận chân ra được. TS Phan Dân trong lúc giải lao, nói nhỏ với tôi:
- Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách. Rất tiếc là việc thương mại hóa nền giáo dục đã làm cho chúng ta chẳng còn giống ai trên thế giới này về đào tạo nguồn nhân lực cho quốc gia.
Chia tay Bảo Trâm tôi nói nửa đùa nửa thật:
- Bằng Thạc sĩ đã lấy xong rồi nghe, lo lấy chồng đi!
Họp hội đồng chấm Luận văn thạc sĩ xong, tôi có việc phải về Nhà Xuất bản. Trong giai đọan bàn giao cho ban lãnh đạo mới, các cô gái ở Nhà Xuất bản vẫn quyến luyến không muốn chia tay tôi. Trong suốt hai tháng qua mọi người vì việc chung, đã làm việc không quản ngại khó khăn bất chấp trời mưa hay nắng để giữ liên hệ với mọi khách hàng bằng tất cả con tim và khối óc mà không kèm theo bất cứ đòi hỏi nào cho riêng mình.
Hương Biển, kế toán mới của Nhà Xuất bản nói với tôi:
- Đáng lẽ em không viết phiếu chi để trả cho thầy 4 triệu đồng. Có như vậy ngày nào thầy cũng xuống Nhà Xuất bản đòi tiền và lúc nào mọi ngưòi cũng thấy thầy ở Nhà xuất bản.
Câu nói vô tâm, vô tư và gần như không có hàm ý gì của cô gái Hải Dương này tưởng chừng như vô thưởng vô phạt. Nhưng đối với tôi nó lại rất không bình thưởng. Trong phút chốc nó làm tôi liên tưởng đến A Tử.
A Tử là thiên kim tiểu thư của Vương gia nước Đại lý Đoàn Chính Thuần và Nguyễn Tinh Trúc. A Tử là em gái A Châu, người yêu của Kiều Phong, một trang anh hùng cái thế. Khi A Châu mất dưới bàn tay của Kiều Phong nhằm lấy tình yêu làm hóa giải hận thù, A Châu trăn trối Kiều Phong phải chăm sóc A Tử, em gái mình.
Trong suốt lộ trình gần gũi, A Tử, cô gái 17 tuổi đem lòng yêu Kiều Phong, nhưng Kiều Phong gần như không nhận diện ra tình cảm này. Hoặc có nhận ra, ông cũng chôn chặt cõi lòng để trong tim chỉ còn lại A Châu. Một lần, nhân lúc Kiều Phong bất cẩn, A Tử phóng độc châm để làm tàn phế Kiều Phong vì cô nghĩ rằng chỉ có bị bàn phế thì Kiều Phong mới suốt đời không rời xa mình.
Suy nghĩ trông có vẻ rất giản đơn phù hợp với sự ngây thơ của cô gái 17 tuổi. Nhưng cũng chính ngưòi con gái ngây thơ này mà khi Kiều Phong dùng mạng sống của mình để đổi lấy nền hòa bình cho hai nước Tống và Liêu, khi quần hùng bàng hoàng không biết làm gì, thì cô gái ngây thơ đó đã làm việc mà gần như không ai làm được, đó là cô trả lại tất cả mọi thứ mà người đời cho mình trong đó có đôi mắt, cô lao tới ôm lấy Kiều Phong nhảy xuống vực thẳm để Kiều Phong mãi mãi là của riêng cô.
Hỏi thế gian tình là gì?
Mà đôi lứa thề nguyền sống chết.
Mà đôi lứa thề nguyền sống chết.
Buổi tối ngồi liên hoan mừng các học viên bảo vệ luận văn tốt nghiệp với các tân thạc sĩ tôi nhận được cuộc điện thoại của Thu Hồng. Trong hai tháng qua Thu Hồng không quản ngại khó khăn, giành trách nhiệm về phía mình, giúp tôi duy trì các họat động của Nhà Xuất bản. Từ việc liên hệ với các tác giả, các đối tác liên kết và cả các biên tập viên. Gần như một mình cô xoay sở với mấy chục bản thảo cũ và mới. Nói năng mềm mỏng với khách hàng, kể cả khách hàng khó tính nhất, cốt làm sao để Nhà Xuất bản vẫn giữ được phong độ như ngày nào. Việc này hoàn toàn trái ngược với những ai mang danh là lãnh đạo Nhà Xuất bản, nhưng trong suốt hai năm qua, cố làm cho nhà Xuất bản bị đình trệ nhằm dẫn tới xóa sổ Nhà Xuất bản của mình. Trong suốt hai tháng qua, không biết có mối liên hệ nào giữa các thế lực ngầm mà họ cố tình làm cho NXB bị tê liệt. May mắn thay, một người lo bằng một kho người làm, NXB chẳng những không bị đình trệ hay bị tê liệt như ai đo mong muốn mà vẫn duy trì và phát triển với thế mạnh nhất mà nó đã gầy công xây dựng bấy lâu nay. Nhà sách Nhân văn, Công ty Phan Thị … là các đối tác liên kết mới đã được đón tiếp niềm nở với phương châm khách hàng là thượng đế. Thu Hồng báo cho tôi biết, giám đốc mới muốn em quản lý được kho trong giai đọan chuyển tiếp này ngoài việc hệ thống hóa tất cả danh mục và thực tế bản thảo để bàn giao. Người phụ nữ này đã kịp thời thông báo cho tôi tất cả những nguy cơ làm ảnh hưởng đế sự tồn vong của NXB. Nhờ đó mà tôi đã nhanh chóng giải quyết nhiều vấn đề phức tạp vượt ra ngoài tầm của bất kỳ ai không phải là giám đốc. Tôi nói với Thu Hồng, em cứ mạnh dạn nhận nhiệm vụ. Ta làm việc vì NXB cho dù ai đến lãnh đạo, xây dựng và phát triển NXB thì họ cũng dựa vào những con người tâm huyết.
Đúng vào thời điểm tinh tế này, tôi đã gặp gỡ và làm việc với một tác giả của NXB, Lâm Kim Dung. Vì tập bản thảo tâm huyết của Kim Dung mà chúng tôi đã trở thành bè bạn. Cùng trang lứa, Kim Dung vẫn gọi tôi là Thầy và tôi cảm nhận được ở Kim Dung sự quí trọng và chân thành trong cư xử giữa những người bạn:
Thầy ơi, Sáng nay em ghé NXB để gửi bản thảo cho Thầy. Em nhận được tin không vui của Thầy, nhưng em nghĩ, đứng ở góc độ nào đó, cũng không hẳn là tin buồn (mặc dù có thể thầy rất buồn…)
Em không tiện viết dài dòng, dù em muốn nói với Thầy… rằng các em và bạn bè vẫn tin yêu Thầy và ở bên Thầy.
Một chút riêng tư nhưng tôi nghĩ sự riêng tư đó đã là động lực to lớn cho tôi, dù không làm việc tại Nhà Xuất bản, vẫn suy nghĩ về NXB và tìm kiếm cách giúp đỡ họ, dựa vào quan hệ xã hội mà tôi đã có trong nhiều năm qua. LK Dung đã gửi cho tôi một email mà cho dù dửng dưng cách mấy, bạn cũng không thể không cảm nhận được tình cảm giữa con người và con nguời, vốn rất hi hữu trong xã hội mà ta đang phải sống:
Thầy ơi,
Gặp được Thầy trò chuyện thật là vui, em được ăn ngon và tối ngủ cũng ngon, sáng thức dậy sớm… em quét được lá cây cho cả dãy nhà hàng xóm. Thầy thấy em giỏi không?
Thầy luôn quan tâm, nghĩ tốt và nói hay cho mọi người… đó là nét đẹp mà em nhận thấy nó toả sáng ở Thầy.
Ngay cả học trò cũng đã biết chuyện và biết chia sẻ cùng tôi bao nỗi lo. Khi tôi post bài giải trình của tôi cho ủy ban kiểm tra đảng ủy tháng 4/2011 lên blog, các em đã viết:
Thực sự chưa đọc đã thấy lo cho Thầy, đọc xong lại càng thấy xốn xang trong người hơn mà bây giờ thấy Thầy reply vậy thì em thấy rất yên tâm…miễn sao Thầy thấy thoải mái và vui là em và mọi người cũng thấy vui lây…
Cuối buổi sáng của hôm bảo vệ luận văn thạc sĩ, cô Hường gọi cho tôi báo cho biết có đồng chí ở PA25 đến NXB và muốn gặp tôi. Tranh thủ lúc Bảo Trâm chuẩn bị file trình chiếu, tôi xuống làm việc ở NXB. Trung tá Nguyễn Văn Qúi biết nhà trường bổ nhiệm mới lãnh đạo Nhà Xuất bản nên đến thăm đồng thời tạo mối liên hệ mới cho công việc xuất bản vốn quá nhạy cảm với những người làm công tác an ninh văn hóa. Trò chuyện với anh mới biết mùa lich block năm nay, việc bán buôn không phải dễ dàng gì, đã diễn ra tình trạng làm giả tem chống giả, in tăng số lượng quảng cáo làm lịch chính phẩm bị ế ẩm trong bối cảnh chỉ còn vài ba ngày nữa là sẽ không bán được block nào của mùa lịch block 2012. Trong suốt hai năm làm giám đốc NXB, tôi đã nhận được những cử chỉ và hành động thân thiện từ PA25 và A87. Chính nhờ kinh nghiệm quản lý an ninh văn hóa của họ mà tôi đã vượt qua nhiều cạm bẫy nguy hiểm trong công tác lãnh đạo NXB.
Nhiều người cố tình lái dư luận về định kiến tôi vi phạm luật pháp trong lãnh vực xuất bản. Tôi rất tiếc là tại sao nhiều người, vốn rất thông minh, lại cả tin những lời xằng bậy đó. Nếu tôi vi phạm luật pháp trong lãnh vực xuất bản, tôi đã bị bắt từ rất lâu chứ không phải để đồng chí đại tá Phạm Khắc Khanh, phó cục trưởng Cục A87 (Bộ Công An) lặn lội từ Hà Nội vào căn phòng ọp ẹp của NXB để nhắc nhỡ tôi về tương quan chung giữa 64 NXB trong vấn đề lịch block 2011 và bất cứ hành động nào của NXB dù đúng pháp luật vẫn làm bể nồi cơm xuất bản. Tôi đã tranh luận, đã lắng nghe và hợp tác chân thành. Tôi nhận lời PA25 đề nghị giám đốc mới NXB nên quan tâm hơn trong việc hợp tác với PA25 và A87. Câu nói mà tôi đắc ý nhất của các đồng chí Công An là khi NXB gặp một vấn đề phức tạp, họ sẽ giúp đại sự biến thành tiểu sự, tiểu sự biến thành vô sự.
Buổi tối tôi gọi cho Bình Yên nên giúp thầy Hồng giữ liên hệ tốt với Công An.
Tôi đã ra khỏi NXB vào ngày 7/12/2011 vậy mà hôm nay 28/12/2011 mọi người vẫn giữ liên hệ, vẫn gặp gỡ và trao đổi công việc dù báo Thanh Tra Chính Phủ, không biết vì sao lên hai bài báo mà phóng viên hòan tòan không biết gì về sự làm việc âm thầm, lặng lẽ nhưng đầy tính thuyết phục vẫn đang hằng ngày, hằng giờ duy trì và phát triển NXB như ngôi nhà chung của mỗi người.
Biết mình sẽ thôi không làm việc tại NXB cách đây 4 tháng, tôi đã chủ động triển khai các công việc chuyên môn và sở thích của mình. Tôi đã tự cuốn mình vào nỗi đam mê và Ubuntu Linux và chuyển sự đam mê này cho học trò của mình. Từ bao năm qua, tôi luôn biết là sợi dây ràng buộc những con người cùng sở thích với nhau. Gần 150 sinh viên Tóan theo học và gần 200 sinh viên CNTT theo học Ubuntu Linux. Tôi bị tuổi trẻ và sự đam mê công nghệ lôi cuốn. Và một lần nữa tôi trở lại là chính mình như cách đây nhiều năm.
Mấy hôm nay Sài gòn trở lạnh. Chỉ còn vài hôm nữa là bước sang năm 2012 với nhiều triển vọng sáng sủa cho công việc chuyên môn của tôi. Trong lòng thanh thản, nhìn mọi việc dần qua trong trường tôi lấy lại sự lạc quan vốn có của mình mà trong suốt hai năm qua, nhờ nó tôi đã vượt qua biết bao thử thách.
Nhìn lại hai năm với bao nỗi lo toan vì mọi người, nay đã chuyển nỗi lo toan đó cho người khác, để trở về với những lo toan mới nhưng thuần túy chuyên môn và tình nghĩa. Trong hai năm qua tôi đã được giúp đỡ, được quan tâm chia sẻ từ nhiều người, những người con gái con trai …
Cắn răng lại để làm nên chiến thắng
Giặc tan rồi bỗng nghe mặn trên môi
Giặc tan rồi bỗng nghe mặn trên môi
và không hiểu sao tôi cảm nhận được có quá nhiều phụ nữ ở trong và ngoài NXB đã cùng tôi bước qua biết bao nỗi thăng trầm của NXB trong cuộc sống đầy bất trắc này.
Tôi đi trong sân trường để về nhà, trong đầu nhớ lại tất cả mọi chuyện đã xảy ra như một cuốn phim quay chậm, lần lượt đi qua tâm hồn tôi. Và bỗng nhiên, tôi nhớ mấy cây văn của Maxim Gorki:
Không có mặt trời thì hoa không nở
Không có tình yêu thì không có hạnh phúc
Mà không có đàn bà thì không có tình yêu
Không có tình yêu thì không có hạnh phúc
Mà không có đàn bà thì không có tình yêu
cuối cùng cho mọi chuyện, tôi nói như thầm nói với chính mình:
- And God Created Woman
Sài gòn cuối năm 2011
PS. Vào tháng 11 năm 2013 nhân đi dạy máy tính cầm tay Casio FX 570 VN PLus cho GV PT Trung học tại TP HCM mới biết Nguyễn Minh Trí về dạy Toán tại Trường THPT Nguyễn Trãi, Quận 4 TP HCM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét