Thứ Hai, 17 tháng 2, 2014

Thế sự thăng trầm quân mạc vấn

世 事 升 沉 君 莫 問

Tôi rời khỏi vũ đài chính trị ngày 7 tháng 12 năm 2011 sau 9 năm làm Trưởng Khoa và hai năm làm Giám đốc-Tổng biên tập Nhà Xuất bản. Thực tế cái vũ đài chính trị đó cũng không có gì là quá ghê gớm. Chúng tôi điều hành công việc trong xu thế hợp tác vì một mục đích chung là phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nhà trường ở một thành phố lớn nhất đất nước.
Năm 2001, lên làm Trưởng Khoa  chưa được bao lâu, tôi trực tiếp làm tổng đạo diễn cho Lễ kỷ niệm 25 thành lập Khoa Toán-Tin. Nhìn diễn tiến rực rỡ của buổi lễ, một vị trong ban lãnh đạo nhà trường đã nói: “Khoa Toán-Tin có dấu hiệu khởi sắc!”. Vâng, trong một thời gian rất dài, Khoa Toán-Tin mỗi người một công việc riêng tư, chủ yếu vì cuộc sống gia đình, chỉ là một tập hợp rời rạc những người làm nghề dạy học. Nhưng bắt đầu từ sự khởi sắc đó, Khoa đã phát triển mạnh mẽ chưa từng có, kể cả thời kỳ vàng son nhất của nó, như nhiều thầy cô nghỉ hưu từ rất lâu đã không ngại phát biểu.








Chúng tôi phát triển quan hệ hợp tác với Đại học Sư Phạm Hà Nội, Viện Toán  học và thông qua hai cơ quan quan trọng này đã tiếp xúc và thật sự có những hợp tác chặt chẽ với nhiều trường đại học trên thế giới:

Tổ chức thành công Hội thảo “Nghiên cứu, giảng dạy Toán-tin học trong các Trường ĐHSP, CĐSP và THPT” trong năm 2003. Trong Hội thảo này, Intel Việt Nam đã có mặt và sau đó là chương trình Intel Teach To The Future hình thành và phát triển mạnh mẽ đến ngày nay.
Hội thảo Việt Nam-Hàn Quốc lần thứ tư về lý thuyết tối ưu và ứng dụng (19,20,21/2/2004). Đây là Hội Thảo lớn được Trường ĐHSP TP HCM và Viện Toán học phối hợp tổ chức cùng với các đối tác nước ngoài. Hội thảo nhận được sự hưởng ứng rất lớn của các nhà Toán học trong nước và trên thế giới như Hàn Quốc, Pháp và Bỉ …

Tổ chức Trường hè quốc tế về Giải tích phức hợp tác với Viện Toán học, Đại học Toulouse 3 trong tháng 7 năm 2004. Phối hợp với Viện Toán học, đã mời GS Stephen Smale (Giải thưởng Fields năm 1966 tại Moscow) đọc bài giảng cho sinh viên với đề tài “Cơ sở Toán học của quá trình nhận thức”. Đây là loại hình sinh hoạt rất mới giúp sinh viên tiếp xúc với các nhà Khoa học có tầm cỡ trên thế giới.


 Một số giảng viên tham gia tốt các hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học với nước ngoài. Năm 2002 hợp tác với Đại học Tổng hợp Pusan (Hàn Quốc) và ĐH NewSouth Wale (Úc), năm 2003 với Đại học PAU (Pháp), hai giảng viên trẻ Trần Trí DũngBùi Thế Anh vừa mới ở lại trường đã đến được PAU thông qua chương trình hợp tác này.

Rất nhiều sinh viên tốt nghiệp được tuyển chọn tham gia các khóa đào tạo tại Đại học Khoa học Tự Nhiên  TP HCM do ĐH Orlean (Pháp) tổ chức và với ĐHSP Hà Nội (chương trình đào tạo liên kết)  để nhận học bổng đi học Thạc sĩ và Tiến sĩ tại Pháp. Đó là các sinh viên tốt nghiệp  Nguyễn Phước Tài (ĐH Tours), Lữ Hoàng Chinh, Trương Hồng Minh (ĐH Toulouse 3), Sau đó là Nguyễn Thành Nhân và Phan Duy Nhất.


Cùng với GS Nguyễn Văn Hiền (Facultés Universitaires Notre-Dame de la Paix) tổ chức được Trường hè về Lý thuyết Tối ưu và ứng dụng. Chính nhờ Trường hè này mà Trần Thái An Nghĩa đã gặp Boris Mordukhovich và nhờ ông cũng như các PGS Nguyễn Định, GS TSKH Nguyễn Đông Yên (Viện toán học), An Nghĩa đã nhận được học bổng học tiến sĩ Toán học tại một trường Đại học Hoa Kỳ. Kỳ công này, tôi được Nguyễn Định trợ giúp tối đa, cũng chính vì sự trợ giúp này của Định mà Phạm Thành Dương đã có đủ học vấn để học Thạc sĩ tại ĐH La Trobe (Melbourne, Úc), học Tiến sĩ tại ĐH New South Wales (Sydney, Úc) và hiện nay đang học post-doc tại CHLB Đức.

Từ phải sang: Trần Thái An Nghĩa, Trần Trí Dũng

Trong lãnh vực đào tạo Công nghệ thông tin, tuy mới mẻ nhưng cũng đủ tạo ra các kỳ tích để đến hôm nay đã thành lập đuợc Khoa Công nghệ Thông tin. Những giảng viên trẻ đang học Tiến sĩ Công nghệ thông tin ở nước ngoài cũng từ trung tâm đào tạo này mà ra: Nguyễn Tân Khoa (Thụy Điển), Nguyễn Thanh Phước, Hùynh Tấn Đạt, Lê Minh Trung (Canberra, Úc) và gần đây Nguyễn Viết  Hưng (JAIST, Nhật Bản)



Nguyễn Thanh Phước, Hoàng Thân Anh Tuấn và Huỳnh Tấn Đạt (Đại học Canberra)

Khi tôi rời Khoa Toán-Tin cuối năm 2009 để làm Giám đốc-Tổng biên tập Nhà Xuất bản, hầu hết các giảng viên trẻ, nguyên là các sinh viên của Khoa, đều đã ra nước ngoài học Tiến Sĩ Toán hoặc Công nghệ Thông tin.  Chính các giảng viên kỳ cựu của Khoa và học trò của họ đã làm nên kỳ tích này, từ sự “khởi sắc” năm 2001 đến Huân chương Lao động hạng 3 năm 2008.



Đã hơn mười mười năm qua, với biết bao vật đổi sao dời, nhưng những gì diễn ra tại khoa Toán-Tin trong ngần ấy năm cũng khó mà quên. Chúng tôi đã giảng dạy-nghiên cứu khoa học, đã bồi dưỡng sinh viên giỏi, tạo nguồn cao học, tổ chức Hội Nghị Khoa học trong nước và quốc tế. Và tất nhiên chúng tôi cũng đã biết đi chơi đây đó để giảm thiểu áp lực công việc: 2 lần đi Thái Lan, 1 lần đi Singapore và Malaysia, 1 lần đi Bắc Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu, Tô Châu và một lần đi Hồng-Kông, Quảng Châu, Thâm Quyến, chưa kể các chuyến đi nghỉ ngắn ngày trong nước ở Vũng Tàu, Nha Trang, Động Phong Nha và đỉnh Bà Nà v.v... trẻ con cũng quen biết nhau vì cha mẹ chúng cùng chung một công việc.



và đây Bến Thượng Hải




Quả thật, không dễ gì quên dù năm tháng có làm cho mọi thứ đổi thay!
Kể ra thì nhiều không kể xiết, hơn nữa bài viết này không nhằm kể lại một thời đã qua và chắc khó mà lặp lại. Kết thúc hai nhiệm kỳ Trưởng Khoa, có một số vấn đề tôi vẫn luôn suy nghĩ vì nó liên quan đến những điều người ta công kích sau lưng tôi  và nó cũng liên quan đến chuyện bi hài người ta làm sau này.
GS Claude Comiti (bên phải 2 bức hình ở dưới tại ĐHSP TP CHM và tại ĐH Joseph Fourrier) đã dành cả một thời tuổi trẻ  cho ĐHSP TP HCM trong sự nghiệp đào tạo ra các chuyên gia về PPGD Toán.      
                                      .

Đến khi nghỉ hưu, bà ấy vẫn muốn các đồng nghiệp kế nhiệm duy trì mối quan hệ này. Và tôi đã mạnh dạn  đề nghị Hiệu trưởng mời bà ấy sang làm việc bằng kinh phí của Khoa. Ta sẽ không thể nào so đo số tiền đó nhiều hay ít, mà ta chỉ cần biết rằng khi còn tại chức (Giám đốc Viện đào tạo giáo viên Grenoble ) bà đã gõ cửa xin học bổng cho Lê Thị Hoài Châu, Lê Văn Phúc, Lê Văn Tiến, Đoàn Hữu Hải, Nguyễn Ái quốc, Trần Lương Công Khanh, Lê Thái Bảo Thiên Trung  và Vũ Như Thư Hương. 


Hội đồng chấm Luận án TS cho NCS Nguyễn Ái Quốc (THPT LHP)
Không ít những con người được đào tạo đó, đã và đang làm công tác quản lý nhiều trường ĐH, CĐ và TH tại Việt Nam (TS Lê Văn Phúc, nguyên Hiệu trưởng Trường CĐ Cộng đồng Bà Rịa-Vũng Tàu, PGS TS Lê Văn Tiến, Hiệu trưởng trường CĐSP TW TP HCM, TS Đoàn Hữu Hải, Hiệu trưởng trường Trung học Trương Vĩnh Ký TP HCM). Đáp lại nghĩa cử của Nhà trường, sau chuyến công tác này, Claude Comiti đã tiếp tục đi gõ cửa xin học bổng tiến sĩ cho cô Nguyễn Thị Nga và bây giờ là Tăng Minh Dũng (dù Dũng đã phải dựa vào HB 322) nhưng không thầy làm sao Dũng có thể làm nên đựợc chuyện gì? Tất nhiên những vấn đề hệ trọng đó, tôi đều xin phép Hiệu trưởng và bàn bạc với người phụ trách tài chính của Khoa. Cho đến bây giờ, cho dù có suy nghĩ miên man cách mấy tôi vẫn thầm nhũ: “Ta có thể không có nhiều tiền nhưng ta không thiếu chữ Lễ ”.

Ai cũng thừa biết, nhận được Huân chương thì không thể nào lẵng lặng đem bỏ Huân Chương vào tủ. Thế là đã diễn ra Lễ đón nhận Huân chương Lao động và thực hiện một video truyền hình về Khoa Toán-Tin 30 năm Xây dựng- Trưởng thành và phát liên tục một tuần lễ trên giờ vàng của HTV9. Thành quả lao động miệt mài này là của cả một tập thể, kể cả những người  đã nghỉ hưu. Chi phí cho một đại lễ như vậy trong đó có cả phúc lợi cho tất cả mọi người không phải dễ dàng xoay sở được. Tuy đã kết thúc tốt đẹp, nó vẫn để lại dư âm từ ai đó làm cho ta cảm thấy không mấy thoải mái khi rời khỏi vị trí lãnh đạo để sang một cương vị khác. Nhìn các giáo sư đầu bạc vui vẻ trở lại mái trường xưa, tận hưởng những giây phút vui tươi  bên thế hệ trẻ, tôi đã tự nói với chính mình, dù gì đi nữa ta vẫn dạy được cho thế hệ trẻ chữ “Nghĩa”.




Kinh Thư viết:

水底魚,天邊雁,高可射兮低可釣。惟有人心咫尺間, 咫尺人心不可料。天可度, 地可量, 惟有人心不可防。
Thủy để ngư, thiên biên nhạn, cao khả xạ hề để khả điếu。 Duy hữu nhân tâm chỉ xích gian, chỉ xích nhân tâm bất khả liệu。 Thiên khả độ, địa khả lượng, duy hữu nhân tâm bất khả phòng 。

Ông Trương Vĩnh Ký dịch là:

Cá ở đáy nước, chim nhạn ở ven trời. Bay cao có thể bắn, lặn sâu có thể câu. Lòng người chỉ có gang tấc ngắn ngủi thôi. Lòng người ngắn như gang tấc nhưng không thể liệu chừng được. Trời có thể đo, đất có thể lường. Chỉ có lòng người là không thể đề phòng được.

Trong 9 năm lãnh đạo Khoa Toán-Tin tôi đã được các đồng nghiệp tạo mọi điều kiện thuận lợi, đặt tất cả sự tin tưởng của họ vào mình để triển khai tất cả nội lực làm cho Khoa ngày càng lớn mạnh. Gần như không cần phải hỏi ý kiến người này, hỏi ý kiến người nọ trừ những chủ trương lớn phải tranh thủ sự chấp thuận của Hiệu trưởng. Mang phong cách đó sang làm lãnh đạo Nhà Xuất bản tôi đã gặp không ít khó khăn và càng ngày càng phức tạp, chủ yếu do sự bất trắc của lòng người.

Cuối năm 2010 khi mùa lịch 2011 đang vào giai đọan gay go nhất, tôi bị vây quanh bởi quá nhiều thế lực mâu thuẩn nhau. Nào là thương nhân, nào là cảnh sát, nào là Cục Xuất bản, thanh tra Bộ TTTT và những kẻ ngày đêm rình rập đợi một sơ hở nhỏ đủ để đưa tôi vào vòng lao lý. Đến khi CXB không chịu nổi những bất trắc của mùa lịch, họ yêu cầu tôi đến gặp và trao đổi thẳng thắn về tất cả các lo ngại của mọi người.  Một người bạn ở Sở TTTT TP HCM cho biết thông tin rằng “lãnh đạo Sở ủng hộ chủ trương của thầy, nhưng giống như NXB ĐHQG TP HCM năm 2006 thầy nên có luật sư đi cùng”. Hôm đến gặp tôi đến một mình làm mọi người ngạc nhiên. Tôi trình bày quan điểm và đề nghị được giữ vững  lập trường. Cuối cuộc họp không khí đã bớt căng thẳng nhưng không thống nhất được điều gì. Khi ra về, các đồng chí công an và đại diện Bộ TTTT đến bắt tay, tôi thầm nghĩ  họ quí mến một người làm thầy theo tập quán của người Việt, tốt nhất mình nên trở lại công việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Trong suốt 12 tháng của năm 2011 một mình tôi phải đối diện với quá nhiều vấn đề phức tạp do con người gây ra. Nó đưa tôi lên mặt báo của các báo: Phụ nữ TP Hồ Chí Minh, Sài gòn giải phóng, Pháp luật TP Hồ Chí Minh và báo Thanh tra chính phủ, nó đưa tôi tới đối diện với bốn đoàn thanh tra và kiểm tra, kể cả kiểm tra của Đảng do thành ủy chỉ đạo, một lần đối diện với bộ phận phòng chống tội phạm kinh tế của Bộ Công An. Tất cả đều đã qua trừ hai sự kiện lớn vẫn cứ ở mãi trong tâm trí tôi nhưng nó có vẻ không liên quan gì đến công việc và lại mang màu sắc tâm linh.
  1. Vụ cháy kinh hoàng Siêu Thị CK Plaza
  2. Cái chết của NHC.
Trong thâm tâm tôi muốn chia sẻ sự mất mát về người  (NHC) và về của (CK) với người gặp hạn, bởi vì xét cho cùng thì tất cả chỉ là hư không như câu thư pháp treo trên quán cà phê gần nhà:
 
Hôm qua cô thư ký văn phòng Khoa Toán-Thống kê của Đại học Tôn Đức Thắng, với giọng nói ngọt ngào gọi để mời thầy đến Khoa, trước mắt để giảng dạy hai giáo trình: Giải tích phức và Toán cao cấp A5. Trước đó tôi đến gặp Trưởng Khoa TS Chu Đức Khánh đề cập đến nguyện vọng giảng dạy gần nhà và triển khai một số hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ cho việc giảng dạy và học tập môn Toán cao cấp. Trong khi chờ đợi TS Chu Đức Khánh chủ trì cuộc họp, tôi dạo quanh Đại học Tôn Đức Thắng, nhìn cảnh quan nhìn con người và nhất là cách nhà chưa đến một cây số, tôi muốn dành nhiều thời gian để giảng dạy hầu hết các buổi tối tại đây. Trong thời gian làm trưởng Khoa, được lãnh đạo nhà trường ưu ái tạo điều kiện đi tham quan nhiều trường ĐH ở nước ngoài, tôi thầm so sánh, cảnh quan này chẳng thua kém gì.

dsc04822
Trường Đại học Fullerton bang California

Trước khi mất, một bậc đàn anh và là ngưòi đồng hương  PGS TS Đậu Thế Cấp  thôi thúc động viên tôi viết một giáo trình về Lý thuyết Đường và Mặt. Thế nhưng tôi chưa bao giờ có một giây phút bình yên để ngồi tỉnh tâm viết một giáo trình cho ra hồn. Do hoàn cảnh đưa đẩy tôi về lại làm giảng viên Khoa Toán-Tin ngày nào và phân công giảng dạy một chuyên đề Hình học cho sinh viên, tôi bắt tay vào việc viết giáo trình để đời nói trên. Chỉ mới phác thảo nhưng tôi tin chắc rằng đó là quyển sách mà tôi ưng ý nhất từ trước đến nay.

Sáng nay vào thời điểm rảnh rỗi của mùa hè,  tôi đến gặp anh Nguyễn Kim Hồng để cám ơn anh về mọi việc như là để kết thúc một chuỗi các sự kiện liên hoàn xảy ra.  Vậy là từ đây tôi trở về với đúng sở trường của mình mặc cho thế sự có diễn tiến ra sao. Bỗng nhớ mấy câu thơ của Cao Bá Quát:

Thế sự thăng trầm quân mạc vấn
Yên ba thâm xứ hữu ngư châu


Khu nhà tôi đang ở có con sông uốn quanh, dọc bờ sông là một cái công viên  xinh đẹp. Chiều chiều thả mình đi bộ dọc bờ sông, thấy con thuyền nhỏ chở du khách trên sông, phía bên kia là Phú Mỹ Hưng. Tôi mĩm cười, đúng là mình đang ở nơi “yên ba thâm xứ”. Khi gặp anh Hồng tôi định nói với anh -- lấy ý hai câu thơ của Cao Bá Quát -- rằng:
-- Sự đời có lên xuống thế nào cũng xin anh đừng hỏi vì đối với tôi bây giờ chỉ cần một việc làm lương cao và ở gần nhà, thế là đủ.

Tất cả những ao ước đó bây giờ đã trở thành hiện thực. Thế nhưng khi nhẫm tính lại, thì việc làm lương cao nhất của tôi hiện nay vẫn là giảng dạy cho Trường ĐHSP TP HCM và Đại học Sư Phạm TP HCM vẫn là nơi gần nhà nhất nếu không kể Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Thành phố Hồ Chí Minh ngày 17 tháng 7 năm 2012
Nguyễn Thái Sơn -

政治是不流血的戰爭       Chính trị là chiến tranh không đổ máu                                            Mao Trạch Đông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét