Thứ Hai, 17 tháng 2, 2014

PHẢN VÀ PHỤC

反復

LÃO TỬ TINH HOA

Tác giả: Thu Giang Nguyễn Duy Cần 
Nhà xuất bản: Thành phố Hồ Chí Minh 
Năm xuất bản: 1992 
Số trang: 258

Hai chữ Phản và Phục có thể xem là nòng cốt của học thuyết Lão Tử. Chương 40 ông nói: “Phản giả, Đạo chi động” (反者道之動) Cái động của Đạo là trở ngược lại. Nhưng từ cái Một biến qua Vạn hữu, từ Vạn hữu trở lại cái Một, Lão Tử quan niệm như thế nào?


Chương 42 ông nói: “Đạo sinh Nhất, Nhất sinh Nhị, Nhị sinh Tam, Tam sinh Vạn Vật. Vạn Vật phụ Âm nhi bảo Dương, Xung khí dĩ vi hòa” (道生一, 一生二, 二生三, 三生萬物. 萬物負陰而抱陽, 沖氣以為和) (Đạo sinh Một, Một sinh Hai, Hai sinh Ba, Ba sinh Vạn Vật. Trong Vạn Vật không vật nào mà không cõng Âm và bồng Dương. Nhân chỗ xung nhau mà hòa với nhau). Nhất đây là nói về Bản Thể của Đạo; Nhị là trỏ vào Âm và Dương; tức là hai nguyên lý mâu thuẫn đồng có trong mọi vật, vì trong Vạn Vật, không vật nào là không cõng Âm và bồng Dương. Giữa sự xô xát, xung đột của hai nguyên lý ấy, có một cái gì nắm giềng mối và làm cho chúng dung hòa nhau: đó là nguyên lý thứ Ba, cái Dụng của Đạo, chỗ mà Lão Tử gọi “xung khí dĩ vi hòa”. Điều mà ta nên để ý là “xung nhau” để mà “hòa nhau”, chứ không phải xung nhau để mà thủ tiêu lẫn nhau.

Nếu không có sự đun đẩy của hai nguyên lý Âm Dương thì không có Động, mà nếu không có sự có mặt cái “thứ ba” kia, mà Lão Tử gọi là “xung khí dĩ vi hòa” thì không có một sự vật nào thành được. Cho nên mới nói: “Tam sinh Vạn Vật”.

Có người bảo rằng cái học của Lão Tử thoát thai nơi Kinh Dịch. Lời nói ấy không phải là không có lý do. Xét kỹ thì sách của Lão Tử có sau Kinh Dịch, mà xét rõ triết lý của Kinh Dịch, nhất là ở quẻ Phục 復, thì lại thấy rõ ràng có nhiều chỗ tương đồng.

Theo Dịch Kinh thì Dương Âm là hai nguyên lý mâu thuẫn, có những đặc tính riêng khác biệt nhau, như cương nhu, nóng lạnh, sáng tối... Tuy nghịch nhau, nhưng để mà “bổ túc” nhau, chứ không phải để mà thủ tiêu lẫn nhau. Hễ Âm cực thì Dương sinh, Dương cực thì Âm sinh, “vật cùng tắc biến, vật cực tắc phản”, nhưng khi phản biến, thì lại biến thành đối đích của nó. Lạnh biến ra nóng, nóng biến ra lạnh, tối biến ra sáng, sáng biến ra tối.

Tại sao Âm lại biến ra Dương, Dương lại biến ra Âm, lật qua lật lại (反復) như thế? Là vì trong Âm có ẩn phần Dương, trong Dương có ẩn phần Âm, chứ thực ra không bao giờ có một cái gì thuần Âm hay thuần Dương cả: “âm trung chi dương, dương trung chi âm”.
Luật mâu thuẫn là luật đầu tiên của Kinh Dịch. Nhưng chỉ đợi lúc nào Âm hay Dương phát triển đến mức cùng cực của nó thì phần đối đích, mâu thuẫn chứa trong lòng nó mới phát sinh ra được mà thôi. Đó cũng là nhận xét chung của các nhà tư tưởng biện chứng Âu Tây như Heraclite và Hégel: “Mỗi vật đều có chứa mâu thuẫn của nó”.

Nho gia là Trình Di bàn về quẻ Phục, có những nhận xét sau đây là xác đáng: “Vật bất khả dĩ chung tận... Vật vô bác tận chi lý... Âm cực tắc dương sinh; dương bác cực ư thượng nhi phục ư hạ, cùng thượng nhi phản hạ dã” (Vật, không thể đến mức cùng tận được... Vật mà bị tiêu hủy đến cùng tận là điều phi lý vậy. Âm mà lên đến cực điểm thì là dọn đường cho dương sinh. Dương mà bị đẽo ở trên cùng tột, thì lại phản sanh ra ở dưới).

Quẻ Phục ở liền tiếp với quẻ Bác. Quẻ Bác tượng trưng năm hào âm ở dưới và một hào dương trên cùng tột (hào thượng cửu). Dương hào ở hào thượng cửu, nơi quẻ Kiền có Nói rằng hai nguyên lý Âm Dương ấy bổ túc nhau, thực sự cũng không thật đúng, là vì nói thế, lại mặc nhiên nhận rằng hai nguyên lý ấy có chỗ khác nhau... Mà phải nói rằng: Âm là Dương, Dương là Âm, Lành là Dữ, Dữ là Lành, Phải là Quấy, Quấy là Phải... Nóng là Lạnh, Lạnh là Nóng... nghĩa là cả hai đều là Một, nhưng khác độ. Hai chữ bổ túc là danh từ cưỡng dụng để tạm miêu tả trạng thái lúc độ và lượng của chúng cách xa nhau.

Quẻ Bác và quẻ Phục nói: “thượng cửu, kháng long hữu hối” (上九亢龍有悔). Dương mà lên đến cực độ, thì sẽ bị biến dịch, cho nên mới nói: “có ăn năn” (hữu hối). Trình Di bàn về quẻ Phục có câu: “vật, không trọn hết sự đẽo (bác) mà đến chỗ cùng tận của nó ở trên quẻ Bác, thì quay trở về dưới... Vật, không vật nào có thể đẽo hết được, cho nên sự đẽo mà đến cùng cực thì phải trở lại (phục).

Nghiên cứu tường tận quẻ Phục ở Kinh Dịch, ta có thể nhận thấy rõ Lẽ Trời: “Phục kỳ kiến thiên địa chi tâm hồ” (Do quẻ Phục mà ta có thể thấy được cái Tâm của Trời Đất) (Hệ từ truyện hạ).

Rất có thể Lão Tử nhân đó mà nghĩ ra học thuyết của ông lấy chữ Vô 無, tức là lấy Âm cực làm căn bản: “Trí hư cực, thủ tịnh đốc” (致虛極, 守靜篤). Kẻ nào đạt đến chỗ “cùng cực của Hư Không” (Chân Không) là kẻ đã đứng vững trong cái Tịnh. Hễ Âm cực thì Dương sinh, Tịnh cực thì Động sinh. Vạn sự vạn vật đều hễ phát đạt đến cực độ thì lại phản phúc biến thiên, chuyển thành đối đích của nó. Bởi vậy, ta không lạ gì chủ trương xử thế của ông luôn luôn giữ phần tiêu cực. Hào Dương của quẻ Chấn, mới thật là Dương trưởng (Trưởng nam), còn hào Dương ở quẻ Cấn, là Dương tiêu, nghĩa là hào Dương đã suy nhược đến cùng. Sự cương cường của hào Dương ở quẻ Chấn, là nguồn gốc sinh ra Vạn Vật, nên mới nói: “Vạn Vật xuất hồ Chấn” (萬物出乎震) (Quái truyện). Lấy đấy mà suy, ta thấy dụng ý Lão Tử toàn dùng phép tiêu cực là để gây được nguồn Động cường tráng nhất, cho nên ở quẻ Phục mới nói: “Phục hanh, cương phản, động nhi dĩ thuận hành...” (復亨, 剛反, 動而以順行) (Hanh là hanh thông, Phục là cương đã trở lại cường Kiện... nên Phục được gọi là hanh thông, vì cái động của hào Dương này là con đường thuận của Trời Đất. “ Phản phục kỳ Đạo, thất nhật lai Phục, thiên hành dã” (反復其道,七日來復天行也). Con đường thuận, là con đường từ dưới lên trên. Dương hào ở hào đầu tức là thuận đạo, càng ngày càng lớn lên. Nho gia là Chu Hy cũng nhận thấy: “Nội Chấn, ngoại Khôn, đó là cái tượng Dương động ở dưới mà theo đường “thuận” đi lên (...) Phục là Dương phục sinh ở dưới, Dương khí đã bị đẽo hết thì là quẻ thuần Khôn, tức là quẻ thuộc về tháng 10, mà khí Dương đã sinh ở dưới hàm chưa hơn tháng thì cái thể của một phần dương khí mới thành mà trở lại, cho nên tháng 11 thuộc về quẻ Phục. Khí dương đã trở lại, nên có Đạo hanh thông. Tại sao lại gọi “thất nhật lai phục”? Là vì qua tháng 5 là quẻ Cấn, một phần Âm mới sinh, và sinh sinh đến quẻ Phục là 7 hào.

Hiểu được cái cương cường của quẻ Phục, mới rõ được thâm ý dùng phương pháp thuần tiêu cực của Lão, mới hiểu được những chủ thuyết “nhu nhược thắng cương cường”, “bất tranh nhi thiện thắng”, “vô vi nhi vô bất vi”, tuy Tịnh mà Động, nghĩa là mới hiểu rằng Vô Vi của Lão Tử đâu phải là im lìm bất động, mà là cốt dùng Tịnh cực để cho Động sinh, một cái Động cương cường của hào Dương của quẻ Chấn. Quẻ nội Chấn, nhất dương sinh, tức là tiếng sấm do âm dương xô xát nhau mà thành, nhưng đương lúc khí Dương còn nhỏ, chưa thể phát ra. Quẻ Phục, trên là Khôn, dưới là Chấn, gọi là quẻ Địa Lôi Phục, nghĩa là sấm ở trong lòng đất. Khí Dương mới sinh ở dưới mà còn rất nhỏ, nên cần yên lặng mà sau nó mới lớn lên được... Ở bản thân, sau khi: “trí hư cực, thủ tịnh đốc”, thì cũng nên yên lặng để mà nuôi dưỡng khí Dương. Bởi vậy ta mới thấy chủ trương của Lão Tử là thanh tĩnh Vô vi.

Thanh tĩnh Vô vi là điều kiện cần thiết để phục hồi khí Dương và cũng là để nuôi khí Dương sắp sửa phát huy dương lực, chứ không phải ẩn dật để mà hưởng thú an nhàn cực lạc trong sự lười biếng ích kỷ. Trong trời đất, bất cứ một cuộc biến động lớn lao nào đều đi sau một sự cực kỳ yên lặng. Các bậc vĩ nhân trước khi khởi công làm một “đại sự” gì luôn luôn lẫn trốn một thời gian trong cô tịch. Đó là yên lặng để nuôi khí Dương như Thích ca, Jésus chẳng hạn...

Xem đó, ta có thể nhận rằng Lão Tử rất có thể nhân quẻ Phục ở Dịch Kinh mà suy ra cái thuyết Vô Vi của ông, thể theo cái đầu mối của sự sinh hóa trong Trời đất bắt đầu ở chỗ cực âm, động thành quẻ Phục, sinh lực bắt đầu manh nha trong lòng Đất.

Để giải nghĩa câu “Phản Phục kỳ Đạo... thiên hành dã” (反復其道... 天行也), ở Hệ từ truyện hạ có câu: “Nhật vãng tắc nguyệt lai, nguyệt vãng tắc nhật lai, nhật nguyệt tương thôi nhi minh sanh yên. Hàn vãng tắc thử lai, thử vãng tắc hàn lai, hàn thử tương thôi nhi tuế thành yên” (日往則月來, 月往則日來, 日月相推而明生焉. 寒往則暑來, 暑往則寒來, 寒暑相推而歲成焉) (Mặt trời qua thì mặt trăng lại, mặt trăng qua thì mặt trời lại, mặt trời mặt trăng cùng xô đẩy nhau mà có sáng. Lạnh qua thì nóng lại, nóng qua thì lạnh lai, lạnh nóng cùng xô đẩy nhau mà năm mới thành vậy).

Vật dưới trời đều “phản phục” bất thường... Ở quẻ Phục trong Kinh Dịch, Nho gia là Chu Hy cũng nói: “Hễ Tĩnh cực thì Động sinh, Ác cực thì Thiện sinh”.

Hễ có sanh, thì có tử, mà có tử mới có sanh, lên rồi xuống, xuống rồi lên, phản phúc biến động không ngừng. Và, để phòng sự phản phúc biến thiên vì đã để cho sự vật phát đạt đến cực điểm, mà Lão Tử khuyên ta: “Biết đủ” (tri túc), “biết dừng” (tri chỉ), “biết để thân ra sau” (hậu kỳ thân), “biết để thân ra ngoài” (ngoại kỳ thân), “biết lấy cái tiện làm gốc, lấy cái thấp làm nền” (dĩ tiện vi bổn, dĩ hạ vi cơ)... 

Cũng để biểu diễn cái luật cốt yếu của cái đạo biến hóa ấy, ở chương 25 ông nói: “Đại viết thệ, thệ viết viễn, viễn viết phản” (大曰逝, 逝曰遠, 遠曰反) Lớn là tràn khắp, tràn khắp là đi xa, đi xa là trở về.

Câu này có nghĩa là bất cứ sự vật nào trên đời, hễ phát đạt bành trướng đến cực điểm sẽ bị đại biến: Vật cùng tắc biến, nghĩa là biến trở lại cái mâu thuẫn trước kia của nó. Nó là một luật “thường” của tạo hóa. Vì vậy, ông mới nói: “Họa hề phúc chi sở ỷ, phúc hề họa chi sở phục, thục tri kỳ cực” (禍兮福之所倚, 福兮禍之所伏. 孰知其極) Họa là chỗ dựa của Phúc, Phúc là chỗ núp của Họa. Ai biết được đâu là chỗ cùng cực của nó? Biết đâu Phúc đó mà Họa đó, mà Họa đó lại Phúc đó? Phúc rồi Họa, Họa rồi Phúc xen lẫn tiếp tục nhau không biết đâu là dứt. Hay nói một cách khác, không bao giờ có Phúc mà không có một cái Họa ẩn trong, cũng như không bao giờ có Họa mà lại không có cái Phúc ẩn trong.

Đó là bề mặt bề trái của sự đời, cũng như có Thiện thì có Ác, có Thị ắt có Phi, có Vinh ắt có Nhục... Bởi vậy gặp May, phải phòng cái Rủi do cái May ấy đưa đến! Và gặp Rủi, biết đâu nó lại không phải là cái May sắp đến cho mình!

Chương 22, Lão Tử viết: “Khúc tắc toàn, uổng tắc trực, oa tắc doanh, tệ tắc tân, thiểu tắc đắc, đa tắc hoặc. Thị dĩ Thánh nhân bảo Nhất...” (曲則全, 枉則直, 窪則盈, 敝則新, 少則得, 多則惑... 是以聖人抱一) 
Đạo là quân bình, không cho có cái gì thái quá. Thái quá ở đây, thì bất cập ở kia. Bất cập ở đây, thì thái quá ở kia. Cho nên cái gì khuyết, thì Đạo sẽ bù vào cho đủ lại, vẹn toàn lại... Cái gì cong, thì Đạo sẽ làm cho ngay lại. Cái gì sâu, thì Đạo sẽ lấp lại cho đầy. Cái gì cũ, thì Đạo sẽ làm cho mới lại... Ít thì lại được, nhiều thì lại mê... Chương 23, ông nói thêm: “Phiêu phong bất chung triêu, sậu vũ bất chung nhật” (飄風不終朝, 驟雨不終日) Gió lốc không thổi suốt một buổi mai, mưa rào không mưa suốt một ngày trường. Đạo rất ghét những gì thái quá, cho nên ông khuyên ta, nếu cần phải làm thì hãy “khứ thậm, khứ xa, khứ thái” (去甚, 去奢, 去泰), nghĩa là hãy trừ khử những gì thái quá, vì “Xí giả bất lập, khóa giả bất hành” 企者不立, 跨者不行 (Ch.24) (Nhón gót lên thì không đứng vững, xoạc chân ra thì không bước được): cái thái quá sẽ làm mất thăng bằng.

Để minh chứng cái định luật “phản phục”, không chương nào nói rõ ràng bằng chương 36: “Tương dục hấp chi, tất cố trương chi. Tương dục nhược chi, tất cố cường chi. Tương dục phế chi, tất cố hưng chi. Tương dục đoạt chi, tất cố dữ chi” (將欲歙之, 必固張之. 將欲弱之. 必固强之. 將欲廢之, 必固舉之. 將欲奪之, 必固與之) Hễ hòng muốn thu hút đó lại, là sắp mở rộng cho đó ra. Hòng muốn làm yếu đó, là sắp làm đó mạnh lên. Hòng muốn vứt bỏ đó, là sắp làm hưng khởi đó. Hòng muốn cướp đoạt đó, là sắp ban thêm cho đó. 

Tóm lại, hễ làm cho Âm cực, là dọn đường cho Dương sinh. Chứ không bao giờ dùng Âm mà thủ tiêu Dương, hay dùng Dương mà thủ tiêu Âm. Cho nên kẻ sáng suốt, bao giờ cũng chịu đứng sau để được đứng trước, đứng dưới thấp để được ngôi cao, và lâu dài...
Cũng cùng một ý đó, nơi chương 42 ông nói: “tổn chi nhi ích, ích chi nhi tổn” (bớt là thêm, thêm là bớt) (損之而益, 或益之而損). Tại sao vậy?

Cái nhìn của người theo Đạo là cái nhìn bao trùm, thấy nhân loại như một cơ thể chung, thấy mỗi sự mỗi vật là một cái Toàn thể (un Tout). Và xem mọi sự mọi vật là những phần tử của một cái Sống chung cũng như trong nhân loại người theo Đạo không phân chia màu da, dân tộc. Vì vậy ông không có những quan niệm rời rạc cá nhân, hay quốc gia, dân tộc. Ai có trồng cây mới thấy rõ cái nghĩa thâm sâu của câu “bớt là thêm, thêm là bớt”. Nếu đứng về phương diện rời rạc của từng bộ phận của cái cây, thì ta thấy “bớt là bớt”, cũng như “mất là mất”, chứ không thấy được cái chỗ “bớt là thêm, thêm là bớt”. Nhưng nếu đứng trong phương diện toàn diện của cái cây mà xem thì “bớt là thêm”, “thêm là bớt” có thể quan niệm dễ dàng được. Những công việc tỉa nhánh bẻ lá của nhà trồng nho không phải là công việc “bớt là thêm” hay sao? Những cây nho được người ta tỉa nhánh sẽ là những cây nho có trái sai; sinh lực của nó ở các lá nhánh bị tỉa bớt kia sẽ đổ dồn vào thân cây để giúp sức cho hoa trái.

“Tổn chi nhi ích, ích chi nhi tổn” như câu “tương dục hấp chi, tất cố trương chi”, đều là công dụng của luật Quân Bình của Đạo. Bớt là bớt cái có dư để thêm vào chỗ bất cập, theo cái nghĩa “Thiên chi Đạo tổn hữu dư nhi bổ bất túc” ở chương 77 (天之道損有餘而補不足).

Đoạn văn trên đây: “tương dục hấp chi, tất cố trương chi..” có một giá trị hết sức quan trọng trong thuyết Phản và Phục của Lão Tử. Đại ý của đoạn này là muốn bảo rằng: phàm muốn một việc gì thái quá, trái lại phải gặt lấy những kết quả ngược với lòng mong muốn của ta. Lão Tử cũng có nói: “không có cái lầm lẫn to tát nào bằng lòng ham muốn đạt cho kỳ được cái kết quả tích cực của một việc mà mình quá mong ước” (Cữu mạc đại ư dục đắc) 咎莫大於欲得 (Ch.46). Bất cứ một tình dục nào cũng đều có ba giai đoạn: khao khát, chiếm đoạt và chê chán.

Không đâu biểu diễn luật Quân Bình của đạo rõ ràng bằng ở đoạn văn trên đây. Những cặp mâu thuẫn “hấp” “trương”, “cường” “nhược”, “hưng” “phế”, luôn đi đôi với nhau. Xin nhắc lại: Người ta quên rằng hễ âm cực là dọn đường cho dương sinh, và trái ngược lại hay sao? Cho nên đối với bản thân, cũng như đối với kẻ khác, người thông hiểu Đạo một cách sâu xa, không bao giờ chịu để cho một việc thái quá nào có thể xẩy ra: “vật bất chí giả, tắc bất phản”76 (物不至者則不反).

Đối với bản thân, không bao giờ nên để có sự dư thừa mà lại cần phải có sự bớt đi. Tự mình phế bỏ, để mà tự mình được hưng lên. Trái lại nếu muốn quá tự hưng tức lại là mình tự phế đấy! Người trị nước cần phải có một nếp sống khắc khổ để tinh thần được lên cao. Cái công dụng của sự thiếu thốn trong đời người, làm cho con người trở nên thanh cao hơn là sự quá đủ, quá thừa. “Kỳ tại Đạo dã, viết dư thực chuế hành, vật hoặc ố chi” (Theo Đạo mà nói, thì: đồ ăn dư, việc làm thừa, ai cũng oán ghét) (Ch.24).

Áp dụng nguyên lý trên đây trong phép xử kỷ tiếp vật, trong việc quốc gia xã hội, tâm lý hay xã hội, đều thấy ứng nghiệm. Đối với việc tu thân thì tiết chế tư dục hay hơn là thỏa mãn tư dục. Nếp sống khắc khổ của các vị tu sĩ đâu phải là không có lý do sâu sắc. Kẻ tự phụ kiêu căng thì tự mình làm hạ nhân cách và mất nhân tâm. Kẻ biết khiêm cung từ tốn lại là kẻ khéo nuôi dưỡng và làm hưng khởi lòng đạo đức của mình và được người đời mến chuộng. Cho nên mới nói “đứng sau mà thành ra đứng trước”, “ở dưới thấp mà được ngồi trên cao”. Về phương diện tâm lý thì “phàm sự nan cầu giai tuyệt mỹ, cập năng như nguyện hựu thường tình”. Phàm sự khó cầu mong được thì bao giờ cũng tốt đẹp, đến khi chiếm được rồi thì việc ấy lại trở thành tầm thường. Là tại sao? Đói khát thì ăn uống ngon lành, ăn no thì hết ngon, no quá sẽ sinh ra chán ghét. Có đau yếu mới nếm được cái thú của sự khang kiện. Vợ chưa cưới quý hơn người vợ đã cưới; vợ người đẹp hơn vợ mình: đó là thông bệnh của con người: thiếu thì mong, được thì chán.

Người bị nhục dễ được vinh quang, nước bị nhục dễ vượt lên địa vị cường thịnh. Cho nên có thể nói: Nhục là điều kiện của Vinh, Nghèo là điều kiện của Giàu, Tối là điều kiện của Sáng, Quấy là điều kiện của Phải, Hư là điều kiện của Nên, thất bại là mẹ của thành công, và Đau khổ là điều kiện của Hạnh Phúc. Biết rõ định luật ấy, phần đông các nhà quyền mưu thời Chiến Quốc áp dụng câu nói trên đây của Lão Tử để làm chính trị và tôn ông làm bậc Thầy, và nhân đó bị hậu thế gán cho ông là nhà mưu thuật, há không phải là oan lắm hay sao?

Heraclite cũng đồng một ý nghĩ như Lão Tử khi ông nói: “Những trận đại thắng là những trận đại bại” (Les plus grandes victoires sont les plus grandes défaites). Những nước cường thịnh là những nước bắt đầu đi xuống, những văn minh cực thịnh là những văn minh bắt đầu suy vi. Những suy tàn đều nằm sẵn trong cái thịnh vượng. Cho nên phép xử thế hay nhất trong đời là phải biết: “tri kỳ vinh, thủ kỳ nhục” để mà tránh “cái họa nằm trong cái phúc”.

Tóm lại, hễ Âm cực là dọn đường cho Dương sinh chứ không bao giờ có sự thủ tiêu lẫn nhau giữa hai nguyên lý mâu thuẫn ấy. Vì vậy, kẻ sáng suốt bao giờ cũng chịu “đứng sau” để được “đứng trước”, chịu “ngồi dưới thấp” để được nâng lên cao. Tiêu cực là điều kiện của tích cực, nên mới nói “hòng thu rút lại là sắp mở rộng cho đó ra, hòng muốn làm yếu đó là sắp làm cho đó mạnh lên; hòng muốn vứt bỏ đó là sắp làm hưng khởi đó; hòng muốn cướp đoạt đó là sắp ban thêm cho đó”. Cùng một ý như trên, Lão Tử nói: “Thiên hạ chi chí nhu... trì sính thiên hạ chi chí kiên” (天下之至柔馳騁天下之至堅) Cái rất mềm trong thiên hạ, thắng cái rất cứng trong thiên hạ.

Những lý thuyết mâu thuẫn trên đây, sẽ không thấy gì là mâu thuẫn nữa cả nếu ta nhận thấy rõ cái luật phản, phục của Tạo hóa. Nhưng, trái lại, đối với kẻ tầm thường chưa thông hiểu được cái định luật quan trọng này, họ sẽ thấy toàn là mâu thuẫn. Vì vậy, ông mới nói: “Chánh ngôn nhược phản” (正言若反) (Ch.78) Lời nói đúng với chánh lý thì dường như những lời trái ngược với í thức thông thường. Và, “kẻ sĩ bậc thấp, nghe nói đến Đạo thì cười to lên. Không cười, sao đủ gọi đó là Đạo” (Ch.41). Đạo là bao trùm, kẻ “hạ sĩ” làm gì thấy được hiểu được mà không cười nhạo! Bởi người ta phần đông không biết suy tư theo biện chứng, nên không nhận rõ luật mâu thuẫn, luật “Phản phục” như đã nói trên, nên không sao hiểu được những lời nói mà ông gọi là “chánh ngôn nhược phản” ấy.

Trong quyển La Revolution Mondiale, danh sĩ Hermann de Keyserling có đưa cái định luật “Phản phục” trên đây ra làm đề tài chứng minh cho quyển sách của ông rất là rõ ràng: “Chaque mouvement donné suscite automatiquement sont contre mouvement, de sorte que le radicalisme donne naissance au convervatisme, la douceur à la dureté, et bien au mal et vie versa. Mais, à la fin de chaque processus de ce gence, un rythme qui embrasse tout se trouve consitué où les oppositions précédentes ne sont pas supprimées, mais harmonisées en contrepoint. Il en est ainsi dans la nature. Il devrait en être de même dans l’histoire humain (...) Plus un mouvement unilatéral est puissant, plus il renforce par ce fait même le forces opposées” (p.157-161). (Mỗi một cái động đều tự nhiên gây thành một cái động nghịch lại, vì thế mà cấp tiến sanh ra bảo thủ, dịu hiền sanh ra tàn bạo, thiện sanh ra ác, hoặc trái ngược lại... Nhưng rồi sau cùng, sau một cuộc xô đẩy cọ sát nhau, những cặp mâu thuẫn trước đây, không bị thủ tiêu, vứt bỏ lẫn nhau, mà lại được hợp thành một nhịp điệu điều hòa từng điểm một. Trong giới thiên nhiên là như thế, mà trong lịch sử loài người cũng một thế. Một hành động một chiều mà càng mạnh bao nhiêu, lại chỉ càng làm cho những lực lượng đối phương càng mạnh thêm bấy nhiêu).

Người đời phần đông không cho thế là đúng, nên thường có cái ảo vọng là nhiệt liệt đem một cái Phải nào để trừ tuyệt một cái Quấy nào... Họ suy tưởng theo luận lý hình thức (logique formelle), nên cho rằng có là có. không là không, phải là phải, quấy là quấy... và luôn luôn như vậy. Họ chỉ nhìn thấy cái tịnh của sự vật mà không để ý đến cái động của nó. Thời gian diễn biến từ Có qua Không, từ Không qua Có, từ Phải qua Quấy, từ Quấy qua Phải. Hoặc mau lẹ như một cái nháy, một cái chớp... hoặc trì trệ từ giờ, từ ngày, từ tháng, từ năm hay từ thế kỷ, trước sau gì cũng phải có. Nhưng khi biến thể thì đột ngột lắm, như nước biến ra hơi, thì lúc biến không thể nhận thấy kịp... Bởi vậy mới có những câu rất mâu thuẫn như “có là không”, “sống là chết”, “phải là quấy”, “động là tịnh” v.v...

Luật “phản, phục” là những định luật bất di bất dịch chi phối tất cả mọi biến thiên trên đời. Lão Tử gọi nó là “Thường”, nghĩa là những cái gì không bao giờ biến đổi.

Chữ Phản và Phục, cũng có nghĩa là trở về Bản Tính, trở về cái Đạo nơi mình.Chương 16 có viết: “Đến chỗ cùng cực hư không là giữ vững được trong cái Tịnh Vạn vật cùng đều sinh ra. Ta lại thấy nó trở về gốc. Ôi! Mọi vật trùng trùng, đều trở về cội rễ của nó. Trở về cội rễ gọi là Tịnh. Ấy gọi là Phục Mạng. Phục mạng gọi là Thường” (致虛極, 守靜篤, 萬物並作, 吾以觀復. 夫物芸芸, 各復歸其根. 歸根曰靜, 是謂復命. 復命曰常...) (Trí hư cực, thủ tĩnh đốc, vạn vật tịnh tác, ngô dĩ quan phục. Phù vật vân vân, các phục quy kỳ căn. Quy căn viết Tịnh, thị vị viết Phục Mạng. Phục Mạng viết Thường).

Cội rễ của Vạn Vật, tức là Đạo thì Tịnh. Nhưng tịnh cực thì dương sinh, đó là đầu mối của Đạo vậy. Các vật sau khi phóng ra... đều rồi trở về nguồn gốc của nó cả, đó là cái “Động của Đạo” (反者道之動). Trở về (Phục) là “trở về cội rễ”. Chữ Mạng 命 trong Phục Mạng có nghĩa là “cái mà ta không thể cãi được” tức là Đạo. Chữ “Thường” ở đây có nghĩa là Đạo “Thường”, tức là những nguyên lý bất di bất dịch mà bất cứ vật nào, người nào làm sai với con đường thiên diễn của nó sẽ đem tai họa lại cho mình và cho cả xã hội chung quanh mình.


Tóm lại, biết rõ cái luật “phản, phục” ấy, thì không ai dám đi làm cái việc triệt để theo một cái Phải nào để trừ tuyệt cái Quấy tương đương của nó. Mà phải để ý coi chừng cái luật quân bình, luật “phản, phục” nó không tha thứ một cái gì thái quá. Huống chi là mong mỏi thủ tiêu luôn cả phần đối đích của các cặp mâu thuẫn ấy. Bởi vậy, bậc trị nước mà không hiểu hoặc không đếm xỉa đến cái luật “phản, phục” trên đây, thường phải gặt lấy những kết quả tai hại trái với lòng mong ước của mình. Đừng mong đem cái Âm mà trừ tuyệt cái Dương, hay đem cái Dương mà trừ tuyệt cái Âm, dồn sự vật vào tình trạng “âm cô dương tuyệt” hay “dương cô âm tuyệt” mà gây tai họa cho con người. Nếu khinh thường luật “phản, phục” tức là luật quân bình, thì không khéo ta lại vô tình cố mà đè nén một việc gì lại sắp làm cho việc ấy chổi dậy mạnh hơn, cố mà làm cho một việc gì yếu đi, lại sắp làm cho việc ấy hưng lên...” như Lão Tử đã nói trước đây ở chương 36. Và phải chăng, ta thường thấy ở những nơi đã mất tự do là những chỗ mà lòng người tha thiết ham muốn tự do hơn đâu tất cả. Như ta đã thấy sức dồn ép càng mạnh theo một chiều nào, là xui cho sức chống cự đối phương càng thêm mãnh liệt: “Vật cực tắc phản” (物極則反).










Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét