Thứ Bảy, 15 tháng 2, 2014

Những mẫu chuyện về nước Úc - Đặng Thị Ngọc Chơi

Khi tôi còn đi học ở Khoa Toán ĐHSP TP HCM những năm 1976-1981 tôi có rất nhiều người bạn mà dù xa xôi cách trở đến đâu tôi cũng tìm ra được ra họ sau nhiều chục năm xa cách. Một trong các người bạn như thế là Ngọc Chơi.
Hồi đó trong lớp tôi nhiều bạn gái đi chung với nhau thành cặp, như Ngọc Lan và Quí Hảo, Tuyết Anh hay đi chung với Kim Anh và Ngọc Chơi hay đi chung với Lạc
Không hiểu vì sao tôi gọi Đặng Thị Ngọc Chơi bằng cái tên là Ngọc Chơi, còn Nguyễn Thị Lạc thì tôi gọi là "Chị Lạc".



Có một lần Lạc nói với Ngọc Chơi:
- Tao sẽ hỏi anh Sơn là tại sao, tao với mày cùng tuổi mà anh gọi mày là Ngọc Chơi còn gọi tao là "Chị"!
Ngọc Chơi quê ở Huyện Cái Bè tỉnh Tiền Giang. Từ Sài gòn đi về miền tây vừa qua ngã ba Trung Lương ta rẽ tay phải sẽ chạy dọc theo các huyện Châu Thành, Cai Lậy và Cái Bè. Cái Bè cũng là huyện cuối cùng của tỉnh Tiền Giang trước khi lên cầu Mỹ Thuận để sang Vĩnh Long. Huỳnh Ngọc Diệp, bây giờ là Hiệu trưởng trường PTTH Cái Bè, cùng học với chúng tôi. Hồi đó anh nói với tôi:
-- Ngọc Chơi nhà nó giàu lắm, ba mẹ nó có máy xay lúa.
caibeTôi thì không biết cái máy xay lúa nó như thế nào, vận hành ra sao và làm sao làm giàu bằng cái may xay lúa này. Và tôi cũng chẳng bao giờ hỏi Ngọc Chơi về những điều đại loại như vậy. Trước mắt tôi, Ngọc Chơi là một cô gái nhu mì, chẳng bao giờ nói lớn tiếng. Cô có cặp mắt tròn rất sáng, da trắng,  tóc dài chấm ngang vai, hay mặc cái áo màu trắng điểm lấm tấm các hình tròn nhỏ màu xanh dương. Người không cao lắm, vóc dáng không gầy nhưng cũng không đậm người như Lạc. Ngọc Chơi hiền lành, lễ phép, một điều anh, hai điều anh.
Ngọc Chơi hay đi chung với Lạc và Lạc thì hay hỏi bài tôi. Khi thì hỏi Tô-pô, khi thì hỏi Đại số đại cương, khi thì hỏi Lý thuyết độ đo, khi thì hỏi Giải tích hàm. Tôi tận tình chỉ giúp, thậm chí còn viết ra giấy để các bạn về nhà đọc thêm. Những lần hỏi bài như vậy luôn luôn có Ngọc Chơi, bạn ấy không hỏi chỉ nghe Lạc hỏi và nghe tôi trả lời. Có một kỳ thi, môn khó nhất là Lý thuyết độ đo, Lạc 8 điểm, Ngọc Chơi được 7 điểm, còn tôi không biết tại sao chỉ có 6 điểm.
Trong lớp có rất nhiều anh đề ý đến Ngọc Chơi. Anh Dương Nghiệp Hiển, có ba làm lớn trước năm 1975, có căn nhà mặt tiền sang trọng trên đường Hai Bà Trưng, ở giữa đường Trần Cao Vân và đường Nguyễn Thị Minh Khai bây giờ. Anh Lê Thanh Hoài, lớp phó Văn Thể Mỹ của chúng tôi và anh Huỳnh Ngọc Diệp, cùng học với Ngọc Chơi ở Trường PTTH Cái Bè.
Khi lên tới năm thứ tư, Huỳnh Ngọc Diệp trong một lần trực đêm, nói với tôi:
-- Tôi thương Ngọc Chơi lắm nhưng nó chẳng hề để ý đến tôi.
-- Anh phải nói thì cô ấy mới biết anh thương, rồi mới trả lời chứ!
-- Không, nó có bồ rồi. Thằng Dũng đang học cơ khí ở Đại học Bách Khoa.
Rồi Ngọc Diệp lẩm bẩm đọc mấy câu thơ của Vũ Hoàng Chương:
Gặp nhau chừng như chuyện liêu trai
Ra đi không hẹn một ngày mai
Em ơi lửa tắt bình khô rượu
Đời vắng em rồi say với ai.
Hồi đó vào năm thứ ba thì cả khối học quân sự. Học đi đều, học ném lựu đạn, học bắn súng. Nhàn hạ nhất là học ngắm bắn. Một người nằm dài trên chiếu, ngắm vào khe ngắm của cây súng trường CKC tới đích trên tấm bia cách xa 50 mét. Những người còn lại, với danh nghĩa là chờ ngắm bắn ngồi chơi nói chuyện, ngay cả thầy giáo dạy quân sự cũng sà xuống trò chuyện với sinh viên. Nhiều người hay ngồi nói chuyện xôm tụ, trong khi Ngọc Chơi chăm chỉ học ngắm bắn. Cô mặc bộ đồ học quân sự, cứ như cô du kích trong cuộc chiến tranh vừa mới kết thúc vài năm qua. Do lớp trưởng là bộ đội nên miễn học quân sự, do đó tôi được cử làm B trưởng.
Một hôm vào cuối tuần học quân sự, có một cậu con trai đến tìm Ngọc Chơi. Anh ấy không vào tận nơi, mà đứng từ xa ra hiệu cho Ngọc Chơi thấy. Ngọc Chơi có ý muốn xin về sớm, tôi nói với bạn:
-- Bây giờ còn giờ học, không xin phép về sớm được.
Mãi sau này khi Ngọc Chơi đã sang Úc và tôi gặp Ngọc Chơi ở bên Úc, bạn ấy mới nói với tôi:
-- Anh Dũng ở cùng quê với Ngọc Chơi. Nhưng anh ấy học ở trên tỉnh. Nhà Anh Dũng có máy chà gạo. Không biết tại sao, má em hay biểu em đem gạo lên nhà anh Dũng để chà.
Có một lần, Ngọc Chơi kể, em gặp anh Dũng ở trên tỉnh về nhà. Cậu con trai có gương mặt thư sinh, hồi đó mình hay gọi là "công tử bột", anh Dũng rất đẹp, trông có vẻ rất hiền lành. Bàn tay anh ấy đẹp lắm, thon đều và trắng, không một vết sẹo. Em mới thầm nói với chính mình: "Thằng cha này cả đời chỉ biết cầm viết, chẳng làm lụng gì cả, thảo nào bàn tay đẹp là phải, ai lấy trúng cha này sau này chắc khổ."
Nói thì nói vậy nhưng em rất thích anh Dũng, Ngọc Chơi kể tiếp. Sau nhiều lần gặp do má em hay biểu em đem gạo qua nhà anh Dũng để chà, em quen rồi thân với anh Dũng từ đó. Sau này em thi vào ĐHSP còn anh Dũng thi vào ĐH Bách Khoa.
Trở lại cái thời còn sinh viên, Lê Thanh Hoài và Huỳnh Ngọc Diệp rất mến Ngọc Chơi. Tuy là sinh viên, nhưng chúng tôi cũng già cỗi ra phết. Để tranh giành ảnh hưởng, để tạo ra thế cân đối giữa hai lực lượng: Côm-xô-môn và phe các "tiểu thư, công tử" mang tư tưởng "tiêu cực",   Chi Đoàn phân công cho Thanh Hoài và Ngọc Diệp bồi dưỡng và kết nạp vào Đoàn Lạc và sau đó là Ngọc Chơi. Khi xem xét hồ sơ kết nạp Đoàn của Ngọc Chơi, mọi người tranh luận dữ dội về gia đình Ngọc Chơi:
-- Gia đình bạn ấy không thuộc thành phần cơ bản, kết nạp bạn ấy vào Đoàn có nhiều khi làm khổ bạn ấy sau này.
Tôi bị phản đối rất mạnh mẽ vì tư tưởng ấy. Cuối cùng tôi cũng giơ tay đồng ý kết nạp Đặng Thị Ngọc Chơi vào Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.
Lên năm thứ tư mỗi người đeo đuổi những mục đích riêng của mình. Tôi thì tôi sẵn sàng đi bất cứ nơi nào mà mình được phân công, dù là rừng thiêng nước độc. Một lần nữa, tôi bị phản đối vì tư tưởng ấy.
-- Thái Sơn biết chắc mình được ở lại trường, nên mới phát biểu "mị dân" vậy thôi!
Thế rồi chúng tôi tốt nghiệp đại học. Vì mãi mê lo cho mình mà tôi không biết rằng, Ngọc Chơi bị vướng lại một môn không tốt nghiệp đươc.
Ở lại trường, tôi đi học một năm tiếng Nga, rồi đi học cao học tại Hà Nội. Vào thời gian đó Ngọc Chơi lập gia đình với Dũng.
Dũng tốt nghiệp kỹ sư cơ khí, hai vợ chồng quyết không về Tiền Giang, nán lại Sài gòn tìm kế mưu sinh. Cậu "công tử bột" ngày nào, nay tất tả ngược xuôi tìm việc làm vào thời buổi củi quế gạo châu. Cái bàn tay không một vết sẹo hồi còn đi học, bây giờ không có gì là không cầm đến: cờ-lê, mô-lết, máy hàn, máy tiện, máy phay, máy bào và dù có cẩn thận cách mấy nếu không sứt đầu cũng mẻ trán.
Ngọc Chơi thấy chồng vất vả, xin đi dạy. Đi dạy được một thời gian, có người nói:
-- Em học Đại học Sư Phạm, việc gì mà phải đi dạy cấp hai. Nếu em xin được một giấy chứng nhận là em đã học xong tất cả các môn ở bậc đại học, chị sẽ phân công cho em dạy cấp ba.
Ngọc Chơi về Trường để xin một tờ giấy như vậy. Bạn ấy không nhờ ai, tự tìm đến phòng tổ chức cán bộ. Người có thẩm quyền cấp một tờ giấy như vậy làm khó dễ đủ điều.
-- Ông ấy nói nếu em có ... thì mới cấp được tờ giấy. Và tờ giấy đó chỉ có giá trị nhất thời. Nếu em muốn cấp bằng tốt nghiệp đại học là chuyện khác.
Em không hiểu ông ấy nói em phải có cái gì, nhưng nhìn gương mặt thiếu thiện cảm, em nói cám ơn rồi bỏ về.
Thực ra mấy năm trước, ba mẹ Dũng vượt biên qua Úc. Sau khi đã ổn định việc ăn ở và việc làm, ba mẹ Dũng thông báo với Dũng là ông bà sẽ bảo lãnh để gia đình Dũng sang định cư tại Úc. Dũng về nói với vợ ý định của ba mẹ. Ngọc Chơi không chịu:
-- Em sinh ra ở đây. Em lớn lên và học hành cũng ở đây. Mình còn khổ nhưng mình sẽ cố gắng vượt qua, rồi cũng bằng người ta. Em không chịu đi. Nếu anh muốn anh đi một mình đi, em với hai đứa nhỏ sẽ ở lại.
Lúc bấy giờ hai vợ chồng Dũng-Ngọc Chơi đã sinh được hai con trai đầu lòng. Công việc khó khăn, thu nhập thấp, Dũng làm việc quần quật ngày đêm cũng chỉ đủ ăn. Ngọc Chơi đi dạy vất vả quá, đồng lương lại không bao nhiêu. Nhiều lúc thương vợ, Dũng chẳng biết làm sao. Bây giờ nghe nói vậy, Dũng thương vợ không có ý định sang Úc nữa. Hai vợ chồng tiếp tục làm việc ngày đêm.
Sau khi ở Trường ĐHSP về, Ngọc Chơi thấy chán ngán quá. Cô không muốn đi dạy nữa, nhưng không nói với Dũng. Thấy Ngọc Chơi bỏ cơm, Dũng gặng hỏi mới biết Ngọc Chơi có bầu đứa con thứ ba mà công ăn việc làm thất bát, không biết nuôi con như thế nào.
Dũng liên hệ với ba mẹ bên Úc mới biết thời hạn bảo lãnh cho con cái có gia đình đã hết. Muốn sang Úc, Dũng phải liên hệ với một bộ phận nhập cảnh nước Úc cho những người có tay nghề cao.
Dũng về nói với vợ, ý anh muốn muốn di dân sang Úc theo diện những người có tay nghề cao. Lần này Ngọc Chơi không phản đối nữa. Vào thời gian đó, nước Úc có chủ trương cho nhập cảnh những người có tay nghề cao như đầu bếp, thợ lành nghề, kỹ sư giỏi. Dũng liên hệ, làm hồ sơ và kiểm tra chuyên môn. Anh đươc chấp nhận sang định cư tại Úc cùng với gia đình anh.
Qua được đến Úc, hai vợ chồng băn khoăn không biết ở đâu. Có người khuyên nên ở Sydney, có người biểu nên ở Melbourne. Hai vợ chồng tìm hiểu, nghe mọi so sánh:
-- Sydney cũng giống như Sài gòn, Melbourne giống như Cần Thơ.
Thế là hai vợ chồng quyết định chọn đến sống và làm việc ở Melbourne. Mình mới sang, Sydney nó cũng phức tạp như ở Sài gòn, sợ khó thích nghi.
Đến Melbourne, Dũng xin được việc làm ở Sân bay Quốc tế. Ngọc Chơi đi học tiếng Anh. Ba đứa con và hai vợ chồng, một mình Dũng đi làm cũng đủ sống, nhưng việc học hành của các con cũng tốn kém như ở Việt Nam. Muốn vào một trường học tốt nhất ở Melbourne cũng phải đi học luyện thi, không luyện thi không thi đậu được. Mà đi học luyện thi vào lớp 10 học phí rất cao.
Để giúp cho chồng đỡ vất vả, ngoài giờ học tiếng Anh, Ngọc Chơi cũng tìm kiếm việc làm thêm. Nghe mọi người giới thiệu, Ngọc Chơi cũng tìm được việc làm phù hơp. Cô nhận khâu cổ áo vào cái áo để hoàn thiện một qui trình may. Sợ các con lo buồn, Ngọc Chơi đợi các cháu ngủ rồi thức suốt đêm may áo cho cửa hàng. 1 Đô cho một cổ áo, mỗi đêm cô khâu được khoảng hơn 100 cái cổ áo như thế. Nhiều khi các cháu giật mình thức giấc, thấy mẹ vẫn cặm cụi may may vá vá suốt đêm, thương mẹ cũng chẳng biết làm sao, chỉ biết cố gắng học hành. Làm một công việc đơn điệu như vậy trong suốt một năm, Ngọc Chơi nhận hàng về may môt cái áo hoàn chỉnh. Nhờ công việc mới thu nhập cao hơn, các cháu có tiền ăn học. Rồi họ sinh đứa con thứ tư, rồi đứa con gái út thứ năm. Dũng vẫn làm việc ở Sân bay quốc tế Melbourne, Ngọc Chơi vẫn cặm cụi may vá suốt đêm. Một thời gian sau, gia đình mua được một căn nhà ở ngoại ô Melbourne. Căn nhà rộng, có gara, có phòng khách, phòng cho các con, phòng ăn và tất nhiên có phòng làm việc cho mẹ về đêm. Nhiều lúc ra cửa hàng, thấy người ta bán một cái áo 100 đô mà tiền công may cái áo có 10 đô, Ngọc Chơi ngậm ngùi nhưng đâu biết làm gì hơn. Người ta sang định cư lâu rồi, lại có cửa hàng, rồi thuế má, rồi nhân công, so sánh thế nào được. Các cháu lớn lên cũng giúp được mẹ, đi nhận hàng về cho mẹ may, rồi đi giao hàng cho cửa hàng. Việc học tiếng Anh bị chểnh mảng, đôi lúc bị nhắc nhỡ, nhưng cô giáo Úc thông cảm hoàn cảnh nên chỉ động viên và tận tình giúp đỡ những lúc có thể học được.
Khi tôi tới Úc năm 2008 biết trước Ngọc Chơi ở Melbourne nên tôi tìm kiếm thông tin. Tôi liên hệ với trường Cao đẳng Bến Tre, nơi Lạc làm Phó trưởng phòng đào tạo. Lạc cho tôi địa chỉ email của Ngọc Chơi. Tôi gửi mail và nhận đươc hồi âm, từ đó tôi biết nhà ở của hai vợ chồng ở Melbourne.
 Tôi bay suốt đêm từ Perth sang Melbourne. Đến sân bay quốc tế Melbourne lúc 6 giờ sáng, tôi lên taxi về nhà khách, nơi Phú Dũng đã thuê trước để tôi ở 3 ngày tại đây. Tôi có một ngày lang thang trên phố, tìm hiểu một thành phố mới, từng ngỏ ngách, bờ sông công viên v.v... Hôm sau Phú Dũng đến chở tôi đi tham quan ĐH Monash nơi anh đang làm việc. Cuối buổi chiều, Phú Dũng chở tôi tới nhà Ngọc Chơi. Phú Dũng và Ngọc Chơi, cùng với tôi học chung một khóa. Hai người cùng ở Melbourne gần 20 năm mà chưa bao giờ gặp nhau, thậm chí không biết cùng ở nước Úc. Tôi đã đến và liên kết các bạn bè của mình. Phú Dũng đưa được tôi tới nhà Ngọc Chơi, cáo bận để về nhà.
Tôi gặp Dũng sau gần 20 năm. Ngày xưa tôi chỉ loáng thoáng thấy anh đến tìm Ngọc Chơi. Bây giờ mới trò chuyện thân tình, nhưng trên đất khách quê người. Dũng nói:
-- Tôi biết anh sáng hôm qua đến Melbourne. Tôi làm ở sân bay đó, nhưng sân bay quá rộng, không biết anh xuống cổng nào nên cũng cố tìm anh để đưa anh về khách sạn, nhưng không găp.
Bạn bè lâu ngày găp nhau hàn huyên tâm sự, kể đủ thứ chuyện. Ngọc Chơi giới thiệu cô con gái út 14 tuổi.
-- Nó rất giống em hồi còn đi học. Cháu học giỏi lắm, vừa rồi được bằng khen của Thủ Hiến Bang Victoria.
Sau đó, Dũng mời tôi ra ngoài ăn tối vì không biết tôi đến lúc nào nên  ở nhà không chuẩn bị gì hết.
Tôi, Ngọc Chơi và Dũng ra chợ Việt Nam đi ăn phở. Cả một khu phố toàn người Việt, cửa hàng, biển hiệu và cứ như ở Cần Thơ, nói toàn tiếng Việt. Ăn tối xong, tôi cùng với Dũng và Ngọc Chơi đi dạo dọc bờ sông. Hôm đó rằm tháng giêng, trăng sáng vằng vặc, bầu trời thì cao không một gợn mây, không khí trong lành. Tôi đi dạo với các bạn mà cứ tưởng chừng như mình đang ở trong mơ. Đi được một lúc, bỗng phía bên kia bờ sông, người ta bắn pháo hoa. Ngọc Chơi tươi cười bảo tôi:
-- Anh hên lắm đó. Tụi em ở đây cả năm trời không thấy bắn pháo hoa, anh mới sang mà đã chứng kiến pháo hoa của Úc rồi đó nghe.
Tôi thừa nhận là mình rất may trong nhiều hoàn cảnh và tôi vui vì những may mắn của mình. Gần đến tối khuya, Dũng và Ngọc Chơi đưa tôi về nhà khách. Từ ngoại ô vào trung tâm thành phố, họ gọi là lên city. Khi đến chỗ ở, tôi mời vợ chồng Ngọc Chơi lên thăm nhà. Vì đã quá khuya, sợ các cháu lo, hai vợ chồng hẹn hôm sau.
Hôm sau vào cuối buổi chiều, cậu con trai cả vừa tốt nghiệp đại học, chở ba mẹ lên thăm nhà tôi. Căn nhà Phú Dũng thuê cho tôi nằm ở tầng 7 của một tòa nhà ngân hàng 15 tầng. Căn nhà sang trọng, có một phòng ngủ, một phòng khách rộng, một nhà bếp có máy rửa bát, có máy giặt, có bếp ga, một nhà vệ sinh, chén đủa bát đĩa, nồi niêu xoong chảo  đủ mọi thứ cho một gia đình đến ở mà không cần chuẩn bị gì thêm.
-- Tôi đi cả ngày, việc gì phải thuê căn nhà quá sang trọng vậy. Tôi nói với Phú Dũng.
Phú Dũng nói:
-- Ông là Trưởng Khoa của một Trường đại học lớn, ông đến làm việc với Monash. Xếp của tôi tới thăm, phải ở căn nhà như thế mới xứng đáng với địa vị của ông nhé.
Tôi bấm bụng trả 300 đô cho ba ngày mà chủ yếu chỉ về ngủ vào cuối mỗi ngày. Hai vợ chồng Ngọc Chơi và con trai tới thăm tôi ở đó. Ngọc Chơi tỏ vẻ rất thích căn nhà, một phần vì tiện nghi, một phần vì nó ở trung tâm thành phố. Tôi nói căn nhà này giá 100 nghìn đô, không phải là quá mắc so với nhiều căn nhà phổ thông ở Sài gòn.
Trên đường về nhà, cậu con trai nói với mẹ:
-- Căn nhà đó 100 nghìn đô, tụi con mua được. Nếu mẹ thích, sau này tụi con sẽ mua cho cho ba mẹ một căn như thế.
Ngọc Chơi trả lời:
-- Mẹ thích thì thích thế thôi chứ mình ở trung tâm thành phố làm chi, biết bao nhiêu việc cần phải làm ở nhà.
Hôm sau Phú Dũng mời tôi và vợ chồng Ngọc Chơi đi ăn tối ở một nhà hàng sang trọng ở trung tâm Melbourne. Cuối buổi chiều, Mebourne mưa nhẹ nhưng đủ để ướt áo nếu không mặc áo khoác. Bốn chúng tôi đi dạo trên phố. Thành phố yên bình, không khí trong lành, đường phố bắt đầu lên đèn, ánh sáng đủ màu sắc rực rỡ lung linh. Chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện, nhắc lại những chuyện xảy ra trong quá khứ, một quá khứ quá đẹp thời sinh viên, nhớ lại những chuyện buồn đau và hứa với nhau luôn luôn giữ liên hệ, không chỉ chúng mình mà tất cả bạn bè của mình như Lâm Trí Hưng và Lê Ngọc Lan ở Pháp, Lê Thị Kim Anh ở Mỹ, Lê Thanh Hoài ở Sài gòn, Huỳnh Ngọc Diệp ở Cái Bè, Huỳnh Đăng Đỉnh ở Cai Lậy.
Hôm cuối cùng ở Melbourne một mình tôi ra sân bay quốc nội để bay lên Sydney. Tôi nhớ mãi hình ảnh của Ngọc Chơi trong bữa tiệc của Phú Dũng. Bạn ấy mặc chiếc áo khoác, đeo kính mát, đội chiếc mũ rộng vành  trông rất quí phái và sang trọng. Nhưng hơn ai hết, tôi hiểu người phụ nữ ấy vất vả nhọc nhằn như thế nào trong một thời đã qua. Ngay cả hiện tại vẫn cần cù nhẫn nại cùng chồng nuôi năm đứa con khôn lớn từng ngày.
Về đến Sài gòn một tuần sau đó, khi đi rửa các bức hình đã chụp tôi phát hiện được một bức ảnh tôi chụp Ngọc Chơi đang dạo bước trên phố phường Melbourne, tuổi không còn trẻ như năm nào vẫn phảng phất một nét đẹp đài các mà mãi đến bây giờ tôi mới nhận ra.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét